Gần đây, bút thử nước TDS được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử với thông điệp: “Bút thử nước sạch hiệu quả cao” hay “kiểm tra chính xác chất lượng nước”.
Giá của sản phẩm này giao động từ 60.000 đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, một số công ty bán máy lọc nước còn tặng kèm thiết bị này để kiểm tra chất lượng nước qua máy lọc.
Vậy bút thử nước là gì và có nên dùng bút thử nước để kiểm tra/đánh giá chất lượng nước hay không? Hãy cùng I-on Kaizen tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
1. Bút thử nước là gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động
Bút thử nước hay còn gọi là bút thử TDS (Total Dissolved solids) là thuật ngữ mô tả “tổng chất rắn hòa tan” trong một đơn vị thể tích nước (biểu thị bằng đơn vị ppm). Bút thử TDS dùng để đo nồng độ khoáng chất, muối, kim loại dưới dạng ion nói chung. Là cơ sở ban đầu để xác định mức độ sạch của nguồn nước. Từ đó giúp cho người sử dụng biết được chất lượng nước mình đang dùng một cách cơ bản.
Đặc điểm của bút thử nước
- Có thiết kế rất linh hoạt, kích thước nhỏ gọn và trọng lượng rất nhẹ.
- Được sử dụng để kiểm tra hiệu suất của thiết bị lọc nước.
- Đo được độ dẫn điện của các khoáng chất, muối, kim loại dưới dạng ion. Thế nhưng loại bút này lại không thể đo được các tạp chất rắn, tạp chất lơ lửng trong nước.
Cấu tạo của bút thử nước
Bút thử nước có cấu tạo gồm các phần chính như sau:
- Vỏ máy: là phần bên ngoài của máy và là bộ phận có chức năng bảo vệ máy, giúp người dùng nhận biết được các model.
- Điện cực: là bộ phận không thể thiếu của bút thử nước, tiếp xúc với mẫu và thực hiện đo TDS.
- Các phím chức năng: là bộ phận giúp người dùng giao tiếp với máy. Người dùng sẽ thao tác điều khiển máy thông qua các phím chức năng này.
- Màn hình LCD: hiển thị các thông tin, thông số cài đặt và các kết quả đo sau khi người dùng thực hiện các thao tác đo. Màn hình cũng sẽ là nơi thể hiện các cảnh báo, các lỗi trong quá trình đo để người dùng có thể nhận biết và điều chỉnh.
- Bộ mạch điện tử: là bộ phận tiếp nhận và xử lý các thông tin và truyền ngược lại tới người dùng bằng cách mã hóa thông tin và thể hiện nó bằng biểu tượng, chữ viết, con số và hiển thị trên màn hình của máy.
Ngoài ra, bút có các bộ phận bên ngoài khác như: ngăn đựng pin, nắp đậy,…
Nguyên lý hoạt động của bút thử nước
Các bút thử TDS sẽ thực hiện đo hiệu điện thế giữa 2 đầu điện cực bằng cách đặt một điện áp xoay chiều vào trong dung dịch và điều này sẽ tạo ra một dòng điện.
Dòng điện này sẽ phụ thuộc vào khả năng dẫn điện của dung dịch đó, từ việc đo được hiệu điện thế giữa 2 đầu điện cực của máy, máy sẽ đo được độ dẫn điện của mẫu nước dựa theo công thức tính toán và một hằng số tham chiếu được thiết lập sẵn (thông qua quá trình hiệu chuẩn).
Từ việc xác định được độ dẫn điện EC của mẫu nước đó, máy tiếp tục tính toán chỉ số TDS thông qua một hệ số chuyển đổi (hệ số này cũng sẽ phụ thuộc vào loại dung dịch).
Do nguyên lý hoạt động của máy nên thông thường các bút thử nước sẽ được tích hợp chức năng chuyển đổi sang chỉ số EC giúp người dùng có thể kiểm tra được cả chỉ số này mà không cần sử dụng thêm một máy đo độ dẫn điện EC nữa.
2. Cách đọc chỉ số TDS mà bạn nên biết
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO nói chung và của Việt Nam nói riêng thì chỉ số TDS không được vượt quá 500mg/l đối với nguồn nước ăn uống, không vượt quá 1000mg/l đối với nước sinh hoạt.
Khi nước mất hết khoáng chất thì sẽ có chỉ số TDS = 0 tương đương nước chưng cất nước tinh khiết.
TDS không được coi là chỉ số gây ô nhiễm, nó là chỉ số tổng hợp về sự hiện diện của các hợp chất hóa học có trong nước. Theo đó:
- TDS < 5 = “” > PPM: là nước tinh khiết, không có chất rắn hòa tan. Nước này không bổ sung khoáng chất chỉ cung cấp nước sạch cho cơ thể khi chúng ta sử dụng.
- TDS > 5 PPM: là các loại nước có chất rắn hòa tan. Chỉ số TDS cao không có nghĩa nước đó có hại bởi có thể thành phần các chất rắn đó có chất rắn được coi là có lợi.
- Từ 50 PPM – 150 PPM: mức TDS này đã được WHO cho là mức tốt nhất cho sức khỏe. Ở mức này nước uống gần như không chứa một số chất hòa tan có hại. Đặc biệt những người có vấn đề về thận, uống nước có mức TDS dưới 100mg/l còn có thể giúp ích cho tình trạng sức khỏe của họ.
- Từ 170 PPM – 400 PPM: được gọi là nước cứng chỉ được sử dụng trong sinh hoạt, không sử dụng để ăn uống.
3. Có nên dùng bút thử nước để kiểm định/đánh giá nước ion kiềm không?
- Bút thử nước TDS là một thiết bị kiểm tra các chất rắn hòa tan có trong nước nhưng không thể hiện được chất lượng nước này thế nào, có độc hay không. Vì thế, người sử dụng cần xác định chính xác tính chất nguồn nước mình đang sử dụng.
- Bút thử TDS không có khả năng phát hiện những thành tố gây ô nhiễm, bao gồm dầu động cơ, xăng, thuốc trừ sâu… do chúng không có tính chất dẫn điện. Thang đo trên bút thử TDS (thang ppm) cũng không đủ nhạy để đo nồng độ các chất độc hại (thang ppb), như chì, asen hay crom-6 (hexavalent chromium).
- Hơn nữa, bút thử TDS không có khả năng phân biệt và nhầm lẫn một số khoáng chất có lợi trong nước ion kiềm như canxi, magiê,… khiến kết quả đo bằng bút thử TDS tăng đột biến, không chính xác.
Bút thử TDS là cơ sở ban đầu để xác định mức độ sạch của nguồn nước. Từ đó giúp cho người sử dụng biết được chất lượng nước mình đang dùng một cách cơ bản. Để xác định nước an toàn hay không? Cần dựa vào nhiều chỉ tiêu, như mức TDS, độ pH, hàm lượng clo dư, asen dư…
Nếu muốn biết chính xác nước sạch hay bẩn, người dùng cần đem mẫu nước tới các trung tâm xét nghiệm uy tín.